NĂNG LƯỢNG ĐIỆN GIÓ

Hiện nay tất cả các nước trên thế giới đang đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, với việc thực hiện mục tiêu của Paris COP21 là đảm bảo sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2100 ở mức dưới 2°C, tìm giải pháp hiệu quả đảm bảo về an ninh năng lượng cũng như cam kết giảm khí thải hiệu ứng nhà kính (Việt Nam có tham gia cam kết thỏa thuận Paris COP21), bằng biện pháp giảm sản xuất và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), nguyên nhân phát ra 2/3 lượng khí nhà kính (CO2) mà thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo sạch như: gió, mặt trời, khí sinh học, sóng và thủy triều…

 

Mặt khác, mỗi quốc gia muốn có sự phát triển bền vững thì luôn cần sự kết hợp hài hòa ba yếu tố: phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện khá cao, mức tiêu thụ năng lượng điện liên tục gia tăng với nhịp độ bình quân trên 10%/ năm; đồng thời tỷ trọng năng lượng hóa thạch sử dụng phát điện hiện nay vẫn còn khá lớn, trong khi đó các nguồn năng lượng này (than đá, dầu mỏ, khí đốt) cũng đang dần cạn kiệt, vì vậy Việt Nam sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nếu không có những giải pháp phù hợp trong lĩnh vực này sắp tới.

 

Trước những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt, bên cạnh những lợi thế thiên nhiên mà Việt Nam đang có là đường bờ biển trải dài, cùng địa hình thuận lợi. Việc đẩy mạnh xây dựng các trạm điện bằng sức gió là một giải pháp và xu thế tất yếu cho sự phát triển của hệ thống điện trong những năm tới để giải quyết được các thách thử đã đặt ra.

 

Vì thế điện gió cùng với điện mặt trời đang được Nhà nước Việt Nam khuyến khích phát triển, thể hiện ở Quyết định 2068/QĐ-TTQ ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phát triển nguồn điện khi dừng các dự án điện hạt nhân và giảm bớt các nhiệt điện đốt hóa thạch. Chính phủ đã có một số chính sách ưu đãi cho phát triển điện gió như: miễn giảm thuế nhập khẩu, giảm tiền thuế cho các địa điểm đặt các tua bin gió, miễn thuế 4 năm đầu tính từ thời điểm đưa vào vận hành thương mại, giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo…

 

Những ưu đãi về đầu tư xây dựng nhà máy và giá bán điện cho Điện lực Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Một số ưu điểm là nguyên nhân chính đối với sự phát triển mạnh hiện nay của điện năng lượng gió gồm:
• Công nghệ sản xuất từ điện gió (công nghệ tuabin) đang phát triển rất nhanh, dần đảm bảo khả năng cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống;
• Đây là một nguồn năng lượng sạch, không phát sinh khí thải, không tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, hoàn toàn thân thiện môi trường;
• Các nguồn năng lượng hóa thạch đã dần cạn kiệt, trong lúc nhu cầu năng lượng không ngừng tăng;
• Là nguồn năng lượng vô tận của địa phương nên không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, do đó không phụ thuộc vào các tác động khác;
• Sử dụng diện tích đất hoặc mặt biển cho một đơn vị điện năng thấp và ít tác động lên hệ sinh thái nhất;
• Hệ thống máy phát điện gió không tốn nhiên liệu, với hệ thống giám sát thông minh không cần nhân công vận hành, và bảo đảm một công suất phát điện ổn định trong thời gian dài.

Đặc biệt với mô hình điện gió ngoài khơi, hầu như không gây ảnh hưởng đến đời sống con người bởi tiếng ồn trong quá trình lắp dựng, vận hành, cản trở tầm nhìn; việc vận chuyển, lắp dựng các tua bin lớn (giảm chi phí sản xuất điện quy dẫn) dễ dàng bằng tàu/sà lan; gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, thường phù hợp với nhu cầu điện, do đó chi phí cho lưu trữ và truyền tải điện gió ngoài khơi sẽ giảm thiểu hơn, đồng thời điện sa thải cũng thấp hơn; gió ngoài khơi ổn định hơn và hệ số công suất cao hơn, có thể đạt 40 – 50% làm giảm chi phí sản xuất điện, tăng tuổi thọ hệ thống cơ khí, kết cấu…

Sự phát triển của điện gió và tiềm năng điện gió rất lớn của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Công ty Cổ Phần SEPITECH là một trong số các doanh nghiệp sớm tham gia mảng phát triển năng lượng gió góp phần cùng chiến lược và định hướng phát triển năng lượng gắn liền với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng của Việt Nam.

Hình ảnh một số công trình điện gió tiêu biểu

nang-luong-dien-gio-1

nang-luong-dien-gio-2